Mỗi vùng miền của nước ta đều có nét ẩm thực đặc trưng. Trong khi miền Bắc chú trọng sự tinh tế và cầu kỳ trong việc chế biến, thì những món ăn của người miền Trung lại đậm đà từ chính những gia vị được nêm nếm. Ngược lại, ẩm thực miền Nam lại mang nét giản dị, chân chất riêng biệt như chính con người nơi đây. Hãy cùng Tasty Kitchen tìm hiểm những nét đẹp trong ẩm thực tại đây nhé!
Nam Bộ - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi
Nhờ đất đai phù sa màu mỡ, Nam Bộ được biết đến như một vựa lúa lớn nhất của nước ta, không chỉ để cung cấp lương thực trong nước mà còn đóng góp không nhỏ vào tổng sản lượng gạo xuất khẩu.
Ngoài ra, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc cùng với hệ thống sông lớn đầy ắp phù sa đã tạo cho vùng Nam Bộ nguồn thủy hải sản phong phú. Đặc biệt, vùng Nam Bộ chịu ảnh hưởng rõ nét của khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ cao quanh năm, chỉ có 2 mùa mưa và nắng, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai. Những đặc điểm thiên nhiên đó đã góp phần tạo nên sự phong phú trong nguồn thực phẩm để thỏa mãn sức sáng tạo của người miền Nam.
Ẩm thực miền Nam - Đa dạng theo mùa
Miền nam được chia làm hai mùa khá rõ rệt, là mùa nước nổi và mùa gặt chính. Mỗi mùa mang đến những sản vật thiên nhiên riêng biệt tạo nên điểm cuốn hút cho những món ăn miền Nam.
Mỗi mùa nước nổi, người dân địa phương lại được thưởng thức những món ăn dân dã từ những nguyên liệu đặc trưng của mùa như lẩu cá linh điên điển, bún nước lèo, bông súng kho mắm,... Cá linh với từng thớ thịt mềm ngọt kết hợp với bông điên điển vị chua chua, thanh thanh và giòn giòn là sự kết hợp tuyệt vời tạo nên món lẩu cá linh điên điển của ẩm thực miền Nam vào mùa nước nổi.
Vào mùa gặt, ẩm thực miền Nam lại trở nên phong phú bởi những loại cá đồng béo ngậy hay những loại rau, bông, đọt cây được chế biến theo nhiều cách đa dạng khác nhau. Những món ăn nổi tiếng của miền Nam vào mùa gặt như cá lóc nướng trui, cá trê nướng rơm,...
Sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực miền Nam
Ẩm thực miền Nam là sự kết hợp của các nền văn hóa ẩm thực vùng miền và chịu ảnh hưởng của ẩm thực Khmer. Ngoài ra, các món ăn từ Trung Quốc, Campuchia hay Thái Lan cũng được biến tấu theo cách ăn của con người nơi đây khi du nhập vào Nam Bộ.
Một ví dụ điển hình như sợi bún của miền Bắc được biến tấu bánh canh của miền Nam, sợi bánh to hơn và nhiều bột hơn so với sợi bún. Một bát bánh canh cũng phong phú hơn nhiều khi ăn kèm với thịt gà, tôm, cua, mực, giò heo; nước dùng không được trong như bát phở của miền Bắc mà có màu hơi đục, vị ngọt và béo ngậy hơn.
Mỗi bát phở của người miền Bắc thường thêm sa tế, nước mắm tỏi, chanh, ớt tươi, hành lá, rau mùi và ngò gai vào tùy thuộc vào khẩu vị mỗi người. Tuy nhiên, người miền Nam lại thêm tương đen, tương ớt, chanh, ớt tươi, ngò gai, húng quế, giá và hành tây cắt mỏng vào trong bát phở của mình.
Ngoài ra, bánh tráng của miền Trung cũng được thay đổi để phù hợp khẩu vị của người miền Nam. Mỗi miếng bánh được tráng nhỏ hơn, mùi vị đa dạng hơn và được chế biến một cách cầu kỳ phục vụ cho sở thích ăn vặt của cư dân nơi đây.
Với sở thích thêm đường và nước cốt dừa vào món ăn của mình, miền Nam luôn nổi tiếng với những món chè thơm ngon, béo ngậy làm say đắm biết bao người. Không chỉ có những món chè quen thuộc như chè đậu, bánh trôi nước, chè sen, chè bắp,... dễ dàng tìm thấy ở hai miền Bắc - Trung mà chè của miền Nam còn có những món chè đặc trưng như chè khoai mì, chè chuối, chè bà ba,... ăn kèm với nước cốt dừa thơm lừng, béo ngậy.
Khẩu vị của người miền Nam có gì khác so với các miền?
Đa số những món ăn của con người miền Nam đều đến từ những nguyên liệu mộc mạc nhất và cách chế biến cũng không mấy cầu kỳ. Mỗi món ăn đều có hương vị nồng đậm đặc trưng tạo nên nét độc đáo cho món ăn.
Mùi vị “mạnh mẽ” trong món ăn
Vị mặn trong món ăn của ẩm thực nơi đây đến từ sự đậm đà của nước mắm nguyên chất, chắc chắn một điều rằng bạn sẽ không thể nào quên được nếu một lần thử món kho quẹt được kho mặn đến tê lưỡi. Hay vị cay nồng đến từ những loại ớt có thể khiến bạn cay đến xé lưỡi, nước mắt rưng rưng. Không những thế còn có những món ăn mang hương vị ngọt béo đến nao lòng, chua đến nhăn mặt hoặc đắng muốn ngất lịm. Thậm chí, đối với một số món ăn phải nóng đến mức vừa thổi vừa ăn mới chuẩn vị.
Sở dĩ, những món ăn của người miền Nam được chế biến hơi quá tay như vậy bởi sự cực khổ, vất vả từ thời còn sơ khai. Ngày nay, khẩu vị của người nơi đây đã dịu đi nhiều nhưng vẫn giữ được dấu ấn ẩm thực từ ngày xưa với những món đặc trưng như mắm kho quẹt, lẩu mắm và cá lóc nướng trui.
Vị ngọt đặc trưng trong khẩu vị của miền Nam
Tuy đa dạng về mùi vị là vậy nhưng những món ăn của miền Nam vẫn nổi tiếng với vị ngọt ngây ngất của đường và béo ngậy của nước cốt dừa. Con người nơi đây rất yêu thích vị ngọt nên đường trở thành một loại gia vị phổ biến khi chế biến các món ăn. Những món chè ngọt đậm, béo ngậy nức tiếng muôn nơi như chè bắp, chè bưởi,... cũng chính vì sự háo ngọt đặc trưng đó mà chế biến ra.
Giữ nguyên nét dân dã trong từng món ăn
Nét đặc trưng khác trong ẩm thực Nam Bộ chính là sự dân dã từ cách chế biến cũng như cách ăn. Những món ăn từ nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như cá nướng trui, gà nướng đất sét, mắm kho, đuông dừa,... được chế biến và thưởng thức tại chỗ để tận hưởng được trọn vẹn nguyên vị mộc mạc của nguyên liệu.
Món ăn nổi bật của đặc trưng ẩm thực này chính là món cá nướng trui, được bắt đem nướng trui tại bờ ruộng, ăn cùng với các loại rau dại có sẵn trong vườn nhà như bông điên điển, bông súng hay đọt sen. Đó chính là sự tự nhiên, thoải mái trong cách thưởng thức hương vị của người dân nơi đây. Tuy nhiên, khi bạn đến chơi nhà, họ cũng có thể dọn lên thành một bàn tiệc lịch sự thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà.
Xem thêm: Đậm đà văn hóa Miền Tây Nam Bộ với nền ẩm thực An Giang
Một số món ăn nổi bật của ẩm thực miền Nam
Ẩm thực miền Nam nổi tiếng khắp bốn phương với những cái tên mà chỉ nhắc đến thôi là đã gợi lên bao ký ức về mỹ thực.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Nhắc đến ẩm thực miền Nam không thể không nhắc đến món hủ tiếu, đặc biệt là hủ tiếu Mỹ Tho thu hút bao nhiêu thực khách khi đến với vùng đất Mỹ Tho.
Hủ tiếu nơi đây trở nên nổi tiếng nhờ hương vị đủ đầy được trau chuốt từ khâu chọn bột làm ra cọng bánh đến nồi nước lèo chế biến kỳ công. Nước lèo của hủ tiếu Mỹ Tho có vị ngọt của xương sau khi được ninh kỹ, lại thêm hương vị thịt và khô mực nướng cùng một số nguyên liệu như gan, lòng non,... và gia vị đặc trưng tạo nên một bát hủ tiếu trọn vị.
Tô hủ tiếu Mỹ Tho trước đây ngoài thịt và bao tử thì đầu bếp còn chẻ đôi con tôm bày lên để trong cho bắt mắt nhưng giờ đây, một số quán thay tôm bằng những miếng sườn hoặc trứng cút.
Hủ tiếu Nam Vang
Ngoài món hủ tiếu nổi tiếng của Mỹ Tho thì hủ tiếu Nam Vang cũng được rất nhiều người miền Nam yêu chuộng. Đây là món ăn xuất phát từ ẩm thực Campuchia, được biến tấu sau khi du nhập vào miền Nam.
Nước lèo của hủ tiếu Nam Vang lấy vị ngọt của xương heo làm cốt kết hợp với rau củ, mực khô và tôm khô tạo nên một vị ngọt thanh, đậm đà. Mỗi sợi hủ tiếu dai ngon thấm vị, quyện với nước lèo trong veo đã giữ chân bao thực khách lại với ẩm thực Nam Bộ.
Cá lóc nướng trui
Khi đến với vùng Nam Bộ, bạn không thể không thử món đặc sản trứ danh này. Vào mùa gặt, cá lóc được bắt từ các đồng ruộng và sơ chế kỹ lưỡng rồi xiên qua thanh tre, cuối cùng đem vùi trong rơm khô nướng chín mà không cần tẩm ướp gia vị. Sau khi nướng chín, người dân chỉ cần bóc lớp da bị cháy là có thể thưởng thức những thớ thịt cá ngon ngọt bên trong cùng với đọt sen giòn giòn và nước mắm tỏi ớt.
Chuột đồng nướng
Lại một món ăn đặc biệt nữa đến từ mùa lúa chín, đó là chuột đồng nướng. Đây là một món ăn thể hiện rõ nét mộc mạc, chân chất của ẩm thực miền Nam. Nguyên liệu quen thuộc làm nên một món ăn xuất sắc nhưng chắc hẳn nó sẽ làm một vài người không dám thưởng thức khi nghe đến.
Đừng ngại nhé! Nguồn lương thực chủ yếu cả chuột đồng là lúa vì vậy nên thịt của nó rất thơm. Và để có được món chuột đồng nướng thơm ngon, mỗi chú chuột đều phải trải qua quá trình sơ chế, tẩm ướp gia vị rồi nướng trên lửa than đến khi chín vàng. Miếng thịt chuột dai dai và ngọt thịt ngon chuẩn vị khi ăn kèm với rau sống cùng nước chấm tỏi ớt cay nồng đặc trưng.
Đuông dừa
Một đặc sản khác đến từ Bến Tre có chung đặc điểm như chuột đồng nướng chính là đuông dừa. Rất nhiều đã phải khóc thét khi nhìn thấy những con đuông dừa béo tròn, núc ních nhưng một khi đã thưởng thức một lần thì không thể quên đi hương vị béo ngậy của nó.
Lẩu mắm miền Tây Nam Bộ
Một món ăn mà bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm vùng Nam Bộ chính là lẩu mắm, món ăn đặc trưng cho vị mặn mòi của vùng sông nước này.
Nước dùng được chế biến từ mắm được làm từ các loại cá đặc trưng của sông nước ăn kèm cùng các loại hải sản và rau củ thật ngon bá cháy.
Lẩu cá linh bông điên điển
Mỗi mùa nước nổi lên, lẩu cá linh chính là một món đặc sản được ưa chuộng ở vùng Nam Bộ. Một món ăn dân dã nhưng chinh phục dạ dày bao người bằng vị ngọt của cá linh, chua chua giòn giòn của bông điên điển và sự thanh mát của các loại rau ăn kèm.
Bánh bò
Ngoài những món ăn dân dã đặc trưng thì ẩm thực miền Nam còn nổi tiếng với những loại bánh chỉ có thể tìm thấy ở nơi đây. Bánh bò chính là một trong số đó, nó hấp dẫn thực khác bởi cái tên lạ tai cũng như hương vị của mình.
Có khá nhiều lý giải cho cái tên độc đáo này, nhưng phổ biến nhất là vì hình dạng như nhũ bò, mềm xốp của bánh hoặc đến từ quá trình ủ men, bột sẽ dậy và bò lên vành tô.
Sau những công đoạn khá đơn giản sẽ cho ra những chiếc bánh bò xốp, mềm, có nhiều lỗ khí và dậy thơm mùi dừa.
Bánh cống
Bánh được gọi là “cống” bởi vì hình dạng trụ tròn của chúng, trông giống hệt như ống cống. Dù sở hữu tên gọi cũng như hình dáng dân dã nhưng bánh cống lại có hương vị đậm đà, đặc biệt và thơm ngon không thua kém bất kỳ món ăn chơi nào của Nam Bộ.
Đây vốn là món bánh có nguồn gốc từ ẩm thực Khmer, được làm từ bột gạo, đậu xanh, củ sắn với nhân tôm, thịt. Mỗi miếng bánh khi ăn sẽ có vị béo béo, bùi bùi của nhân bánh, cắn vào cảm giác giòn tan lan tỏa khắp khuôn miệng. Miếng cống sẽ càng ngon và đủ vị hơn khi ăn kèm với các loại rau sống sẵn có trong vườn nhà của người miền Nam.
Bánh xèo
Bánh xèo có nguồn gốc từ vùng đất đầy nắng và gió của miền Trung, nhưng được biến tấu theo nhiều cách khác nhau khi du nhập vào các vùng khác. Tuy nhiên, dù thay đổi như thế nào thì bánh xèo vẫn nguyên hương vị đậm đà và sức hút của chính mình. Hiện nay, bánh xèo đã trở thành một món ăn dân dã phổ biến ở rất nhiều nơi trên mọi miền đất nước.
Khi bánh xèo được du nhập vào miền Nam, nó đã được biến tấu mang đậm nét riêng và cái hồn của ẩm thực nơi đây. Bánh xèo của miền Nam được đúc với kích thước to và mỏng hơn nhiều so với bánh xèo miền Trung, đúng như sự hào sảng trong cách ăn uống của người dân.
Bánh xèo thường được ăn kèm với bánh đa nem và các loại rau sống rồi chấm thêm nước mắm tỏi ớt chua ngọt hoặc chẻo đậu phộng thơm béo, làm cho hương vị mỗi miếng bánh trở trọn vẹn. Vậy nên, chỉ cần thưởng thức hết một đĩa bánh xèo miền Nam thôi chắc cũng đủ thỏa mãn chiếc bụng đói của mỗi thực khách.
Trên đây là những đặc trưng trong ẩm thực miền Nam đã làm say đắm bao thực khách. Có thể thấy, những món ăn nổi tiếng làm lên dấu ấn trong nền ẩm thực miền Nam đều là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu tự nhiên với những hương vị mạnh mẽ. Tuy phảng phất sự đơn giản nhưng đậm đà như nét sống của chính con người nơi đây. Nếu bạn đã cảm nắng nét độc đáo trong nền ẩm thực này thì đừng bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để thưởng thức chúng nhé.